Sách giáo khóa mới sẽ triển khai muộn nhất từ năm học 2020-2021

Thời hạn bắt đầu áp dụng chương trình, sách giáo khoa SGK mới chậm nhất từ năm học 2020-2021 với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 với cấp THCS và từ năm học 2022-2023 với cấp THPT.

Chiều 21/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới.

Giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đa số các đại biểu Quốc hội đồng ý lùi thời gian thực hiện Nghị quyết 88 và thay đổi triển khai chương trình, SGK phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu tuần tự. Cụ thể, năm đầu tiên áp dụng với lớp đầu cấp tiểu học, năm thứ hai với lớp đầu cấp THCS và năm thứ ba với lớp đầu cấp THPT. Hoàn thành quá trình áp dụng chương trình, SGK mới sau 5 năm kể từ năm bắt đầu triển khai.

sách giáo khoa mới,chương trình giáo dục phổ thông mới,chương trình phổ thông mới
Ảnh minh họa: Thanh Hùng.

Về thời điểm bắt đầu triển khai, có hai luồng ý kiến. Nhiều đại biểu đồng tình với phương án Chính phủ đề xuất, bắt đầu thực hiện chương trình, SGK mới từ năm học 2019 -2020, tức lùi 1 năm so với thời gian quy định trong Nghị quyết 88. Song số khác đề nghị bắt đầu áp dụng chương trình, SGK mới từ năm học 2020-2021, lùi 2 năm, bởi thực tế thời gian qua các công việc đều chậm tiến độ, trong khi phần việc còn lại rất lớn, đòi hỏi nhiều thời gian chuẩn bị để bảo đảm chất lượng triển khai.

Căn cứ ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký gửi phiếu xin ý kiến Quốc hội với 2 phương án này.

Kết quả 39,31% tổng số đại biểu chọn lùi 1 năm; 42,36% chọn lùi 2 năm.

Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi, chủ động trong điều hành của Chính phủ, đồng thời không gây áp lực về thời gian, cân đối điều hành kinh phí hợp lý, hiệu quả, bảo đảm tính khả thi và chất lượng việc triển khai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội đồng ý cho phép lùi thời gian và thực hiện triển khai cuốn chiếu tuần tự.

Thời hạn bắt đầu áp dụng chậm nhất là từ năm học 2020-2021 với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 với cấp THCS và từ năm học 2022-2023 với cấp THPT.

Về tổ chức thực hiện, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng chương trình, biên soạn SGK mới, bảo đảm không tăng kinh phí. Đồng thời, bố trí đủ nguồn lực, chuẩn bị đồng bộ các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cơ sở vật chất để triển khai áp dụng. Khi chuẩn bị đủ các điều kiện, Chính phủ báo cáo Quốc hội thời điểm áp dụng chương trình, SGK mới theo lộ trình quy định tại Nghị quyết này.

Nhiều đại biểu cho rằng, báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 88 còn chung chung và đề nghị báo cáo chi tiết, đầy đủ hơn, nhất là về lộ trình và giải pháp thực hiện trong thời gian tới; về kinh phí chi tiết xây dựng chương trình, SGK.

Để bảo đảm chất lượng triển khai, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm, thực hiện tốt công tác chỉ đạo, hướng dẫn; hoàn thiện chương trình, SGK; đầu tư kinh phí, chuẩn bị đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất; hỗ trợ đặc thù với các địa bàn khó khăn, miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Theo TTHN)

Tham Gia Group Dành Cho 2K13 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí